Back to top

Chăm sóc thiết yếu cho bà mẹ, trẻ sơ sinh trong và ngay sau đẻ

Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO) và Quỹ Nhi đồng Liên Hiệp quốc (UNICEF) dự báo hàng năm trên thế giới có khoảng 585.000 trường hợp tử vong do nguyên nhân thai sản và sinh đẻ, 2/3 trong số này là do tai biến sản khoa, 99% trong số đó là ở các nước đang phát triển.

Băng huyết sau sanh là 1 trong 5 tai biến sản khoa và là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong mẹ. Mặc dù có thể tiên lượng được trước nguy cơ băng huyết nhưng thực tế có tới 90% trường hợp xảy ra trên sản phụ không có yếu tố nguy cơ nào.

Để phòng ngừa băng huyết sau sanh, WHO khuyến cáo thực hiện xử trí tích cực giai đoạn 3 cuộc chuyển dạ, bao gồm:

            1. Dùng thuốc co hồi tử cung ngay sau sổ thai

            2. Kéo dây rốn có kiểm soát để sổ nhau

           3. Xoa đáy tử cung 15 phút/lần trong 2h đầu sau đẻ

Lợi ích là giúp rút ngắn thời gian sổ nhau, đồng thời xoa đáy tử cung 15 phút/lần giúp phát hiện sớm đờ tử cung tránh được tai biến băng huyết sau sanh.

 

Đối với trẻ sơ sinh, nhiều nghiên cứu cho thấy rằng bệnh tật và tử vong ở trẻ sơ sinh liên quan nhiều đến giai đoạn chuyển dạ và ngay sau sanh, cũng nghiên cứu về sinh lý ở trẻ sơ sinh, Tổ chức y tế thế giới đã đưa ra khuyến cáo áp dụng

1. Ngay sau khi thai sổ lập tức lau khô trẻ, đặt trẻ nằm sấp trên bụng mẹ tiếp xúc da kề da, phủ khăn khô để giữ ấm.

2. Kẹp dây rốn muộn (1-3 phút sau khi thai sổ hoặc sau khi dây rốn đã ngừng đập) và cắt rốn 1 thì.

3. Hỗ trợ cho trẻ  bú mẹ sớm và bú hoàn toàn trong vòng 1 giờ sau đẻ.

 

Trẻ được tiếp xúc da kề da với mẹ ngay từ những phút đầu sau khi sinh giúp tăng tình cảm giữa mẹ và con. Kích thích trẻ thở tốt hơn. Trẻ sẽ không bị lạnh, trẻ sẽ tìm vú mẹ sớm hơn và bú mẹ khoẻ hơn. Người mẹ cũng giảm lo lắng, giảm nỗi đau khi “vượt cạn một mình”.

 

Kẹp dây rốn muộn để ngăn ngừa tình trạng thiếu máu của trẻ trong những tháng đầu sau đẻ, và đặc biệt ở trẻ non tháng không bị thiếu máu cũng như giảm tỷ lệ xuất huyết não do giảm prothrombin. Chỉ kẹp dây rốn sớm (trước 1 phút) đối với các trường hợp trẻ ngạt cần phải hồi sức tích cực.

 

Khi trẻ nằm trên ngực mẹ cho thấy trẻ linh hoạt hơn, có phản xạ đòi bú sớm hơn. Bú sớm giúp kích thích vú mẹ có sữa sớm và nhiều hơn

 

Cho trẻ bú sớm là bú sữa mẹ hoàn toàn trong giờ đầu sau đẻ, không cho trẻ ăn kèm thêm bất cứ một loại thực phẩm nào khác ngoại trừ vitamin hoặc các loại thuốc. Theo khuyến cáo của Tổ chức y tế thế giới thì nên cho trẻ bú mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu và tiếp tục cho bú mẹ đồng thời bổ sung thêm các thực phẩm thích hợp khác cho đến 2 tuổi hoặc lâu hơn tùy trường hợp. Cho trẻ bú mẹ hoàn toàn có thể ngăn ngừa tử vong vì tiêu chảy và nhiễm trùng hô hấp cấp tính trong 3 tháng đầu. Cho trẻ bú sớm còn làm kích thích tuyến yên tăng tiết Oxytocin giúp tử cung co tốt hơn để phòng ngừa chảy máu sau đẻ.

 

Hút nhớt khi trẻ thở tốt là không cần thiết lại có thể gây ra sang chấn cho miệng và mũi của trẻ, vì vậy không hút nhớt thường quy trừ khi miệng/mũi trẻ bị tắc nghẽn

 

Không làm rốn, không sát trùng rốn, không băng rốn (để rốn hở) giúp rốn mau khô hơn ở môi trường tự nhiên và vì vậy giúp rốn mau rụng hơn hạn chế được tình trạng nhiễm trùng rốn.

 

Nói chung, chăm sóc thiết yếu cho bà mẹ – trẻ sơ sinh trong và ngay sau đẻ theo quy trình mới nhiều bằng chứng cho thấy giúp giảm tỷ lệ tai biến và bệnh tật cho cả bà mẹ và trẻ sơ sinh. 

 

Khoa sản BVĐK Đồng Tháp